Học thêm, dạy thêm: Chỉ cần "đánh" vào phụ huynh là sẽ thắng chắc
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có Chỉ thỉ số 5105 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh.
Theo đó, đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: Chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; Không giao bài tập ngoài sách giáo khoa. Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; Không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ.
Bộ trưởng yêu cầu, giám đốc các Sở GD&ĐT cần chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học ở địa phương quán triệt đến từng giáo viên các quy định về dạy thêm, học thêm và nội dung đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để mọi người hiểu rõ và làm đúng quy định.
Đồng thời tuyên truyền, giải thích để nhân dân, đặc biệt là cha mẹ học sinh nắm vững các quy định của ngành về dạy thêm, học thêm và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để tạo sự đồng thuận và phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đấu tranh chống tiêu cực và triển khai đổi mới ở bậc học tiểu học.
Chánh Thanh tra Bộ chủ trì thông tin, chỉ đạo thanh tra giáo dục ở các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
(GDVN) – Những bài kiểm tra, những điểm số của các em có thể nói lên điều gì đó, nhưng không thể nói lên mọi điều về các em.
Chỉ thị trên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bước đầu đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh, đồng tình từ dư luận xã hội, các bậc phụ huynh. Nếu được tính toán,nhận thức, triển khai, thực hiện tốt trong thời gian đến ở nhà trường, gia đình thì sẽ giảm được áp lực chạy theo bệnh thành tích, học tập căng thẳng, nặng nề đang diễn ra phổ biến trong học sinh tiểu học; hạn chế, chấn chỉnh được những hệ lụy, tiêu cực tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở nhiều nơi, nhiều trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy học bậc tiểu học theo hướng đổi mới, chuyển từ cho điểm sang đánh giá bằng lời phê.
Lâu nay, nhiều người hay quy kết cho nội dung, chương trình, sách giáo khoa ở các bậc phổ thông nói chung và bậc tiểu học nói riêng là nguyên nhân tất cả gây nên tình trạng quá tải, áp lực nặng nề, vất vả cho học sinh.
Là người trong cuộc, chúng tôi nhận thấy, điều ấy chỉ đúng một phần mà thôi. Chính nhiều thầy cô giáo ở bậc tiểu học chưa biết cách dạy, chưa biết vận dụng tốt các phương pháp dạy học mới cũng là căn nguyên cơ bản dẫn đến học sinh tiểu học bị mệt mỏi, bội thực về kiến thức, nội dung.
Thầy N. V. N , Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) bộc bạch: “Nói thật, ở bậc học này, nhiều thầy cô giáo về kiến thức, chuyên môn còn yếu, hạn chế lắm. (do trước đây, đầu vào dễ dãi, cách đào tạo chưa bài bản). Phân công dạy lớp 4, lớp 5 là rất sợ, vì đụng những bài toán khó, giải không ra.
Vì vậy, nhiều thầy cô giáo chỉ mãi là “thợ dạy”, dạy ôm đồm, lan man, đụng đâu dạy đó, không biết chọn lọc, rất khó trở thành “thầy dạy” đúng nghĩa được. Hạn chế của không ít giáo viên lâu nay chính là lực cản ảnh hưởng lớn cho sự phát triển của giáo dục tiểu học, con trẻ nhiều khi bị khổ sở, mệt mỏi do thầy cô ấy tạo ra”.
Mặt khác, cũng vì căn bệnh thành tích của nhà trường, của ngành, cũng vì nhận thức thiếu đầy đủ về khả năng tiếp thu, tâm sinh lý lứa tuổi nên nhiều giáo viên tiểu học trong quá trình dạy học gia tăng thêm những bài tập về nhà, bài tập nâng cao cho con trẻ khiến các em không có thời gian nghỉ ngơi, cứ vùi đầu vào luyện tập, làm bài.
Có một số thầy cô dùng “chiêu” này để buộc học sinh, phụ huynh cho con đi học thêm để đáp ứng được yêu cầu, để bằng bạn, bằng bè. Ở lớp thì đánh giá bằng nhận xét, ở nhà dạy thì đánh giá bằng cho điểm như trước đây… vô hình trung làm rối loạn tâm trí con trẻ; vô tình hay cố tình “ dạy”, “bày” học trò cách vi phạm pháp luật Nhà nước.
Hạn chế và không giao thêm bài tập về nhà, không tổ chức thi học sinh giỏi…là những quy định đúng đắn, góp phần giảm dần và triệt tiêu hoàn toàn cách dạy học tùy tiện và tiêu cực ở bậc tiểu học.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Phải thừa nhận rằng, phía phụ huynh học sinh chúng ta cũng tồn tại nhiều hạn chế về nhận thức, hiểu biết tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
Phụ huynh có tâm lý sốt ruột, lo lắng quá mức về sự phát triển trí trệ, hiểu biết con trẻ, thấy con họ học trước chương trình, thấy con người ta làm được bài tập nâng cao là lòng dạ không yên, phải bắt con mình đua theo bằng được.
Cái tư tưởng thích ganh đua, khoe mẽ, nhiễm bệnh thành tích qua điểm số, danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi…vẫn còn cố hữu trong nhiều bậc phụ huynh, kể cả phụ huynh thuộc ngành giáo, có trình độ học vấn cao. Thông tư 30, chuyển đánh giá từ điểm sang đánh bằng nhận xét, có nhiều cái hay, giảm được áp lực học tập cho con trẻ, phù hợp với xu thế của giáo dục thế giới.
Thế mà, sau một học kỳ thực hiện đến nay, nhiều phụ huynh vẫn mụ mỵ, ám ảnh về điểm số, thành tích, luôn miệng than thở, kêu trời con trẻ ở nhà lười biếng hơn, cô giáo không giao bài tập, đổ thừa cho Thông tư làm hư hỏng học trò, lên bậc THCS sẽ thấy hệ lụy.
Toàn là những quy kết thiếu cơ sở, rất võ đoán, phiến diện. Đây là cũng nguyên nhân góp phần… làm trì trệ, tụt hậu thêm nền giáo dục đất nước vốn đang cần những chủ trương, đổi thay, cách làm mới thì mới mong theo kịp thiên hạ.
Tất nhiên, những điểm bất cập của Thông tư, điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số học ở nhà trường, địa phương còn thiếu thốn, chưa đáp ứng kịp thời thì dần dần khắc phục, điều chỉnh. Không thể một sớm, một chiều đã thay đổi, hoàn chỉnh lên ngay được, phải có thời gian để minh chứng. Cần lắm niềm tin và nhận thức đúng đắn.
Đáng mừng, hiện tại có không ít phụ huynh đã sớm nhận ra bản chất của vấn đề, có nhìn nhận, suy nghĩ tích cực. Ví dụ, anh Nguyễn Hồng Tịnh, 36 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, có 2 con đang học bậc tiểu học ở đây cho biết: “Đúng là, vợ chồng tôi có hay ép con mình học nhiều, làm thêm các bài tập từ các loại sách tham khảo, nâng cao.
Vì muốn con mình học giỏi bằng hoặc hơn con họ. Nay đọc nhiều thông tin, bài phân tích từ các chuyên gia giáo dục, quy định mới của Bộ GD& ĐT, phụ huynh chúng tôi mới vỡ lẽ, bắt đầu nhận ra cái lệch lạc, không đúng cách trong giáo dục con em. Tôi cũng chẳng lạ gì những “đòn” dụ học thêm của các cô giáo tiểu học, nào cháu nó đọc, viết chưa được, nào làm toán còn chậm lắm, cần được chỉ dạy nhiều hơn. Kể từ học kỳ 2 này, chúng tôi sẽ không cho các cháu đi học thêm nữa, ở nhà có mẹ trông mong và để các cháu thoải mái vui chơi. Tôi không sợ áp lực từ giáo viên và kết quả học tập, kết quả đề thi đại học môn toán khối a năm 2015…”
Chủ trương, quy định, chỉ thị như vậy là tốt rồi, vấn đề còn lại thuộc về nhận thức và những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực và quyết liệt của nhà trường, đội ngũ giáo viên bậc tiểu học, trong đó có sự phối hợp, đồng hành đầy trách nhiệm của các bậc phụ huynh.
Trong từng giáo viên và phụ huynh cần có cái nhìn nhận, tư duy rộng mở, nhân văn hơn, hãy bớt đi cái vụn vặt, lợi ích cá nhân mình để được, để tốt cho cái đại cục của ngành giáo dục.
Cấp quản lý giáo dục trực tiếp ở bậc học này cần có những biện pháp kiểm tra và xử lý mạnh tay, đồng bộ để ngăn chặn tình trạng những giáo viên cố tình chèn ép hay dùng những chiêu thức khác dạy thêm học thêm trái quy định, tiếp tục “tra tấn”, gây áp lực cho con trẻ.