Pháp luật quy định thế nào về việc bồi thường?
Pháp luật quy định thế nào về việc bồi thường? Bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự? … Trong bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của nhiều người qua một vụ án cụ thể dưới đây.
Dịp Tết vừa rồi con tôi 15 tuổi tự ý điều khiển xe máy 100 cm3 và đã gây tai nạn khiến một người bị thương nặng. Tôi rất lo lắng, không biết cháu chưa thành niên thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tôi và cháu đã mấy lần lên làm việc với cơ quan điều tra về vụ việc. Gia đình tôi cũng đã chủ động xin lỗi và bồi thường một phần cho gia đình nạn nhân. Xin hỏi pháp luật quy định thế nào về việc bồi thường?
Trả lời:
Căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 7 năm tù. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, còn người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ bị xem xét trách nhiệm hình sự khi họ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (do cố ý hoặc vô ý).
Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự, tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” thì lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý và hình phạt tối đa là 15 năm tù (thuộc tội rất nghiêm trọng). Do vậy, người chưa đủ 16 tuổi không bị xử lý hình sự về tội này.
Về xử lý vi phạm hành chính, theo quy định tại Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Như vậy, mặc dù hành vi của con bạn có dấu hiệu của vi phạm hành chính nhưng lỗi vô ý và được thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi nên con bạn không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.
Về bồi thường thiệt hại, theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong trường hợp này cha mẹ của người gây tai nạn có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Mức độ bồi thường tùy thuộc thiệt hại thực tế đã xảy ra và mức độ lỗi của các bên.
Pháp luật về dân sự khuyến khích các bên thương lượng, hòa giải. Trường hợp thương lượng, hòa giải không đạt kết quả thì gia đình nạn nhân có quyền khởi kiện ra tòa. Mức độ bồi thường sẽ do tòa phán quyết trên cơ sở quy định của pháp luật.